Martha Argerich nghệ sỹ hiếm hoi được so sánh với những pianist vĩ đại

Lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức của cuộc thi piano uy tín hàng đầu thế giới xảy ra chuyện bất đồng chính kiến dữ dội giữa nội bộ ban giám khảo.

Năm 1980, ở thủ đô Warsaw (Ba Lan), một “quả bom tấn” đã nổ ra tại International Frederick Chopin piano competition. Lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức của cuộc thi piano uy tín hàng đầu thế giới xảy ra chuyện bất đồng chính kiến dữ dội giữa nội bộ ban giám khảo. Martha Argerich, một thành viên của ban giám khảo đã giận dữ bỏ về giữa chừng để bảo vệ đến cùng sự lựa chọn của mình. Bà không chấp nhận nổi việc một tài năng piano trẻ là Ivo Pogorelic (Croatia) gây ấn tượng mạnh với bà lại bị loại ở vòng ba.

Không phải đến khi “scandal” nổ ra, người ta mới biết đến nét quyết liệt và ngạo ngược trong tính cách của Martha Argerich. Nữ nghệ sỹ người Argentine này luôn bộc lộ sự khác biệt so với nhiều pianist tài năng khác cùng thời. Bà chỉ ghi âm và biểu diễn những tác phẩm mình yêu thích và vì thế, người ta cho rằng, bà hầu như là pianist duy nhất có khả năng đặt điều kiện cho thị trường âm nhạc. Có thể nhiều người khó chịu, thậm chí không chịu đựng nổi sự khác người của Martha Argerich nhưng đến khi lắng nghe bà trình diễn, tất cả đều bị chinh phục bởi nét độc đáo đến phi thường trong tiếng đàn của bà. Đến nay, Martha Argerich vẫn là một trong những nghệ sỹ hiếm hoi được so sánh với những pianist vĩ đại trong lịch sử với những bản thu âm các tác phẩm của Bach, Bartok, Beethoven, Brahms, Chopin, Falla, Franck, Hayden, Liszt, Paganini, Prokofiev, Rachmaninoff, Ravel, Schubert, Schumann và Tchaikovsky. Giới phê bình và cả người yêu nhạc cổ điển ngưỡng mộ các bản thu âm của Martha Argerich bởi chưa bao giờ họ thấy thiếu dấu ấn của tài năng trong đó. "Bất kỳ bản thu âm nào của Martha Argerich cũng đều đẹp như những viên ngọc quý," nhà phê bình âm nhạc Allen Linkowski đã viết trên tờ American Record Guide như vậy.

Người ta thường so sánh bà với bậc thầy Vladimir Horowitz khi nhận ra sự tương đồng đến kinh ngạc về phong cách. Giống như Vladimir Horowitz, tiếng đàn của Martha Argerich luôn tràn đầy nguồn năng lượng không bao giờ vơi cạn và cả niềm xúc cảm mạnh mẽ. Bản thân Martha Argerich có thích thú với sự so sánh này không thì ít ai đoán biết được nhưng rõ ràng, Martha Argerich hết sức ngưỡng mộ vị phù thủy của cây đàn piano Vladimir Horowitz. Vì thế, lần đầu tiên được dự buổi hòa nhạc của Vladimir Horowitz vào tháng giêng năm 1987 đã để lại dấu ấn kỷ  niệm không thể nào quên của bà. Tình cờ, đó cũng là buổi hòa nhạc đáng nhớ trong sự nghiệp của Vladimir Horowitz: sau 25 năm, ông mới biểu diễn cùng dàn nhạc. Ấn tượng về nghệ thuật biểu diễn của pianist huyền thoại, Martha Argerich đã tâm sự với bạn bè: “Sức mạnh biểu hiện trong những chùm âm thanh và cảm xúc mãnh liệt lạ thường từ nội tâm của Horowizt hết sức khủng khiếp. Tốc độ di chuyển trên các phím đàn của ông không thể tưởng tượng nổi. Và ông hoàn toàn làm chủ được tất cả. Tôi đã biết rất nhiều về nghệ thuật trình diễn của ông nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy ông trên sân khấu, được chứng kiến những gì người ta viết về ông đều là sự thật”. Lúc đó, Martha Argerich không ngờ rằng, sau này, các nhà phê bình âm nhạc lại so sánh bà với Vladimir Horowitz huyền thoại. Nhà phê bình Bob Cowan đã bình luận về buổi biểu diễn của bà tại Suminda Triphony Hall (Tokyo, Nhật Bản): “Argerich đã tạo ra những tiếng sấm trên phím đàn như Vladimir Horowitz đã từng làm cách đây 22 năm tại Carnegie Hall”. Sức mạnh kỳ diệu trong tiếng đàn Martha Argerich đã khiến nhiều người lầm tưởng đó là tiếng đàn của một nam nghệ sỹ. Sau khi lắng nghe Martha Argerich chơi qua sóng radio, bản thân Horowizt từng nhầm lẫn như vậy và tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi được biết sự thật. Giới phê bình âm nhạc thường so sánh bà và Maurizio Pollini, một nghệ sỹ piano xuất sắc, là cặp Tebaldi - Callas của cây đàn piano. Nghệ sỹ violon Gidon Kremer, một trong những người bạn thân thiết của Martha Argerich, đã từng trả lời câu hỏi “Ông có sợ hãi khi trình tấu cùng một phụ nữ chơi pinano với cánh tay của đàn ông không?” bằng một câu ngắn gọn: “Không bao giờ, bởi tôi có trái tim của một phụ nữ”.

dan-piano-grand-bechstein
Nghệ sĩ piano Martha Argerich trên đàn piano C. Bechstein Concert D282

Để trở thành một nghệ sỹ nổi tiếng, Martha Argerich đã phải trải qua quá trình tập luyện hết sức khắc nghiệt từ lúc hơn 2 tuổi. Sau này, bà kể lại “Tôi không có nhiều thời gian chơi đùa như bất kỳ đứa trẻ nào”. Thầy giáo đầu tiên của Martha Argerich là  Scaramuzzo, người sau này đã giúp đỡ cô bé 10 tuổi theo học nhiều nhân vật nổi tiếng. Đó là những người thầy ảnh hưởng đến con người nghệ sỹ của Martha Argerich như vợ Dinu Lipatti, Nikita Magaloff, Arturo Benedetti Michelangeli và đặc biệt là Friedrich Guida. Sau khi lắng nghe Martha Argerich chơi Bach và Schubert, Friedrich Guida mới quyết định nhận học trò. Theo học Friedrich Guida khi mới 12 tuổi, Argerich không chỉ phải rời Buenos Aires tới Vienna mà còn gặp thêm nhiều khó khăn về tài chính và cả vấn đề ngôn ngữ. Bố mẹ Martha Argerich không giàu có nhưng may mắn vận động được Đại sứ quán Argentina tại Vienna hỗ trợ kinh phí. Tuy vậy, khó khăn tiếp theo Martha Argerich gặp phải là ông thầy chỉ nói được tiếng Đức còn cô học trò lại chỉ biết tiếng Tây Ban Nha. Không có thứ ngôn ngữ trung gian nào, cả hai đều chọn giải pháp tốt nhất là bằng chính âm nhạc. Guida thường gọi thứ giao tiếp này là “chủ nghĩa lãng mạn”. Martha Argerich kể về buổi học đầu tiên tại Vienna (Áo): “Thầy Guida đã cố gắng truyền đạt về cảm xúc trong âm nhạc cho tôi nhưng lại không tìm được từ nào. Vì thế, ông đã túm lấy tôi và kéo vào nhà tắm, nhặt lên một miếng bọt biển đẫm nước rồi thấm lên mặt mình. Chỉ vào gương mặt đẫm nước của mình, ông ấy đã nói “Như vậy đấy, như vậy đấy!”. Điều khiến Martha Argerich cảm thấy thoải mái là Friedrich Guida luôn tạo không khí dân chủ giữa hai thầy trò và bà biết rằng, mình hết sức may mắn khi được thụ giáo người thầy như vậy. Chính Friedrich Guida thường tin rằng một nghệ sỹ ngoài tài năng cần phải có đôi chút ngạo mạn hoặc sự kiêu hãnh trong phong cách để đánh thức khán giả. Martha Argerich, người học trò xuất sắc của Friedrich Guida, dường như có đủ những nét tính cách ấy.

Sự độc đáo trong tính cách của Martha Argerich không chỉ ảnh hưởng đến phong cách trình tấu piano mà còn đến cuộc sống riêng tư. Martha Argerich đã trải qua ba cuộc hôn nhân và hai trong ba cuộc hôn nhân, vị hôn phu của bà đều là những người nổi tiếng của giới âm nhạc. Martha Argerich đã kết hôn lần thứ hai với nhạc trưởng Thuỵ Sỹ Charles Dutoit và có nhiều buổi biểu diễn lẫn thu âm cùng nhau. Người chồng thứ ba của bà là pianist kiêm nhạc trưởng người Mỹ Stephen Kovacevich.

(Nguồn: http://tiasang.com.vn)

Bài viết liên quan