NGƯỜI MẸ HUYỂN THOẠI CỦA NGHỆ SĨ PIANO ĐẶNG THÁI SƠN

Người mẹ – người thầy đầu tiên của Đặng Thái Sơn (nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin) – là một trong những pianist đầu tiên của Việt Nam....

Người mẹ – người thầy đầu tiên của Đặng Thái Sơn (nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin) – là một trong những pianist đầu tiên của Việt Nam, một trong bảy nhạc sĩ sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (1956, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và cũng là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957).

Nhân vật sở hữu nhiều cái “đầu tiên” ấy – nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên – vừa bước sang tuổi 100.

Bà chào đời vào một ngày thu tháng tám năm 1918 trong gia đình trí thức danh giá. Cha là Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp. Chị gái là Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris và từng lưu diễn khắp Âu – Á – Mỹ. Anh trai là luật sư Thái Văn Lung hy sinh năm 1946 và tên ông được đặt cho một con đường giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Bảy anh chị em trong nhà đều biết đàn trước khi biết chữ. Với bà, kể từ những nốt nhạc đầu tiên học với các soeur lúc bốn tuổi, cây đàn piano đã trở thành tình yêu và lẽ sống suốt cuộc đời đầy sóng gió.

Chọn con đường biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, người phụ nữ trẻ đã rời Sài Gòn sang Pháp du học (1946). Paris là “Kinh đô ánh sáng”, Paris còn là “Thành phố tình yêu”, nơi nghệ sĩ dương cầm tương lai gặp nhà hoạt động cách mạng Trần Ngọc Danh (em ruột ông Trần Phú), lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bà đã kết hôn, rồi theo chồng công du sang Tiệp Khắc (1949) và hoàn thành chương trình đại học piano tại Nhạc viện Praha. Bà về nước khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt (1951). Bay từ Praha sang Bắc Kinh, bà địu con gái Thu Hà chưa đầy hai tuổi cuốc bộ xuyên rừng hơn trăm cây số tới chiến khu Việt Bắc đoàn tụ với chồng. Nuôi con nhỏ và chăm sóc chồng ốm nặng, đôi tay nghệ sĩ chẳng quản việc gì: từ nội trợ đến làm vườn, chăn nuôi gà, lợn và cả dê để có sữa cho người bệnh. Sự tận tâm của bà là nguồn động lực giúp ông Danh khá dần lên. Họ chờ đón đứa con thứ hai và chọn một cái tên mang ước vọng cho tương lai: Thanh Bình.

Cuộc sống chiến khu quá thiếu thốn nên không thể kiếm thuốc cho ông lúc bệnh tái phát bất ngờ. Ông đã ra đi khi con trai còn chưa kịp chào đời. Bà một mình sinh con, một mình nuôi hai con nhỏ và âm thầm nuôi cả một tình yêu lớn cho âm nhạc. Nhiều đêm nhớ đàn mà ứa nước mắt. Bà tìm niềm vui trong những việc liên quan đến âm nhạc: dạy xướng âm cho đội văn nghệ, dịch bài hát tuyên truyền sang tiếng Pháp, mở lớp học chữ cho trẻ con và đưa chúng đến với âm nhạc bằng cách hát cho chúng nghe mỗi ngày…

Rồi bà cũng có cơ hội hoạt động âm nhạc khi tham gia Đoàn Ca múa nha dân Trung ương. Lãnh đạo Đoàn khi đó là thi sĩ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, người sau này đã cùng bà nên nghĩa vợ chồng và sinh ra Đặng Thái Sơn.

Bà vô cùng hạnh phúc lại được chạm vào phím đàn khi cùng đội hợp xướng Hòa bình sang Thượng Hải thu đĩa cho ngày tiếp quản Hà Nội (1954). Một cuộc “hàn huyên” không lời, và bà đã đàn suốt đêm ấy…

Trong những đĩa nhạc đầu tiên của Việt Nam Dân chủ cộng hòa có bài Ru con Nam bộ do ca sĩ Thương Huyền thể hiện với phần đệm piano của nghệ sĩ Thái Thị Liên. Bài hát hình thành chủ yếu từ những câu “ầu ơ” mà bà đã nghe mẹ mình hát ru thuở nào: “Gió mùa thu, mẹ ru mà con ngủ… Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con…”.

Về Hà Nội, bà dồn hết tâm sức vào lĩnh vực sư phạm. Trường Âm nhạc ra đời từ con số 0 – không đàn, không sách nhạc, không đội ngũ giảng viên… Là người duy nhất có bằng đại học, bà đã gây dựng Khoa Piano, trực tiếp đào tạo những giảng viên và lứa học sinh đầu tiên, soạn giáo trình và viết nhiều tiểu phẩm trên chất liệu dân ca. Bà là Chủ nhiệm Khoa đầu tiên và đã giữ vai trò đó lâu nhất. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ Trường Âm nhạc phải rời Thủ đô đi sơ tán, một giai đoạn cơ cực đến khó tin. Đào hầm, dạy đàn trong những lớp học nửa chìm dưới lòng đất, đạp xe hàng chục cây về Hà Nội mua thực phẩm theo chế độ tem phiếu… Bà còn chở con trai đi ban đêm tránh máy bay và có lúc cả hai mẹ con cùng chiếc xe lỉnh kỉnh đồ đạc lao xuống chân đê. Lo gia đình riêng đã quá nặng gánh, bà còn gồng trên vai mọi hoạt động của Khoa Piano.

20 năm hết lòng với Trường Âm nhạc, bà là tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, một người thầy quyết đoán, năng động, nhiệt tâm và chu đáo với trò. Nhiều học trò của bà đã trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt trong số đó có một tên tuổi làm rạng danh nước Việt trên nhạc trường quốc tế: Đặng Thái Sơn.

Từ thập niên 80 bà chia sẻ cùng con trai cuộc sống luôn dịch chuyển: châu Âu, châu Á, rồi châu Mỹ. Với bà, tài sản duy nhất, niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời chính là các con. Ngoài Đặng Thái Sơn còn có một “cựu học trò” nữa khiến bà tự hào: NGND.GS Trần Thu Hà – nguyên Chủ nhiệm Khoa Piano, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc, và kiến trúc sư Trần Thanh Bình, tác giả thiết kế toàn bộ cơ ngơi mới với Phòng hòa nhạc hiện đại của Học viện Âm nhạc.

Là cánh chim đầu đàn trong đào tạo piano chuyên nghiệp, người phụ nữ nhỏ bé còn chứng tỏ một tình yêu mãnh liệt trong lĩnh vực biểu diễn. Trước hết phải tính đến buổi độc tấu piano đầu tiên trong lịch sử Trường Âm nhạc mà bà đã chơi toàn tác phẩm của Chopin, rồi các chương trình nhạc thính phòng cuối thập niên 50 mà bà thường độc tấu và hòa tấu cùng các chuyên gia nước ngoài, kể cả lúc đang mang bầu Đặng Thái Sơn. Không thể không nhắc đến những đêm diễn tấu dưới ánh trăng nơi sơ tán thập niên 60 mà bà đã gieo mầm cho tình yêu âm nhạc Chopin trong cậu bé Sơn, rồi chương trình độc tấu đầu thập niên 70 có thể được xem như recital đầu tiên ở Hà Nội của pianist Việt Nam. Lúc đó bà đã tuyên bố từ biệt sân khấu, nhưng rồi tình yêu với cây đàn níu kéo bà trở lại. Khi đã ngoài 90, bà lại diễn tấu trong các sự kiện lớn của Học viện Âm nhạc. Người thầy có tuổi đời và tuổi nghề cao nhất giới nhạc vẫn chơi đàn cùng các thế hệ học trò, trong đó có Đặng Thái Sơn, trong buổi hòa nhạc vinh danh bà vào 23-11-2017 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cuộc đời bà là một huyền thoại. Huyền thoại đang được viết tiếp bằng kỷ lục hiếm có: một nghệ sĩ tuổi đời tròn thế kỷ vẫn dạy đàn và biểu diễn trên sân khấu. Bà không chỉ là mẹ của ba người con, mà còn là người mẹ – người thầy của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Bài viết liên quan