NGUYỄN THẾ VINH TỪ CẬU BÉ TỰ KỶ ĐẾN THẦN ĐỒNG PIANO

Khi được hỏi “Nếu sau này không chơi đàn nữa thì em dự định sẽ làm gì?”, Nguyễn Thế Vinh trả lời chắc mẩm “Em đam mê piano và quyết theo đuổi nó vì ngoài nó ...  .

Khi được hỏi “Nếu sau này không chơi đàn nữa thì em dự định sẽ làm gì?”, Nguyễn Thế Vinh trả lời chắc mẩm “Em đam mê piano và quyết theo đuổi nó vì ngoài nó em chẳng muốn làm gì khác”. Đó cũng chính là niềm tin được Vinh xác tín rõ ràng rằng cậu đến với thế giới này là để trở thành nghệ sĩ dương cầm theo đúng nghĩa.
Đắm mình trong không gian âm nhạc đã biến Vinh trở thành một con người hoàn toàn khác. Lúc trầm ngâm suy tư khi lại tươi vui, hoạt bát.

Cậu bé tự kỉ và nỗi đau xót của bố mẹ

Nói chuyện với mẹ của Vinh về những ngày bé thơ, cô tâm sự “Những ngày còn nằm nôi, chúng tôi thường ru con ngủ bằng những đĩa nhạc không lời êm ái, nhẹ nhàng. Không chỉ khi ngủ mà khi gọi dậy, cũng những bản nhạc ấy để con nghe. 2 tuổi, Vinh bi bô tập nói và lẩm nhẩm hát theo đĩa, nhưng kỳ lạ, khi lên 3 tuổi bỗng dưng con hoàn toàn như một người… câm, điếc, không nghe, không nói, không có những biểu hiện cảm xúc bình thường. Con thích chơi một mình, có lúc trở nên tăng động, quá khích, đánh đấm, la hét. Đến 4 tuổi thì những biểu hiện về căn bệnh tự kỷ của con đã trở nên rõ rệt.”

Lo lắng, hoang mang, hai vợ chồng họ mang con đến nhiều cơ sở khám chữa bệnh để gõ cửa như Khoa Thần kinh, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Viện Y học cổ truyền quân đội… Uống thuốc, chữa trị bằng vật lý trị liệu nhưng không có phương pháp nào giúp Vinh tiến triển khả năng nói và giao tiếp. Hồi đó, khái niệm tự kỷ còn rất xa lạ với người Việt Nam. Thế nên cứ nghe ở đâu người ta mách có thầy tốt, thuốc hay là vợ chồng họ lại mang con đến đầy hy vọng rồi lại mang con về trong vô vọng.

Trong công cuộc chạy chữa này, người bố của Vinh – anh Nguyễn Thế Quang đã bỏ nhiều công sức. Khi bác sĩ khuyên nên để Vinh chơi nhiều với bạn bè, người cha tóc đã bạc bội phần vì con đã dành thời gian tìm trường mẫu giáo cho con, nhưng cứ được vài buổi, nhà trường lại trả về vì những bố mẹ khác không đồng ý cho con mình học cùng một đứa trẻ tăng động và bất thường như Vinh. Vinh chạy nhảy lung tung khi các bạn ngồi im, đến giờ ăn thì gào thét, quẫy đạp. Khi các bạn ngủ thì Vinh lại mang đồ chơi ra một xó để chơi.

Có lần, trong lúc cô đang dạy các bạn múa hát thì Vinh lẻn vào nhà tắm, đóng cửa rồi xả nước. Cậu bé hầu như không học được ở trường nào lâu hơn một tháng. Rồi thay vì cho con đến lớp, họ thuê hẳn cô giáo tâm lý đến nhà dạy con, nhiều cô thay nhau dạy con. Đôi khi cả tuần con mới nhớ nổi một từ, cả tháng mới quen một hành động. Anh Quang thay đổi cả công việc chỉ để có thời gian rảnh rỗi dẫn con đi chơi siêu thị, công viên…Có lần hai bố con đang dạo chơi trong vườn Bách thảo thì bất ngờ Vinh nhảy ùm xuống hồ. Vớt được con lên, bố cởi quần áo ngoài bọc cho con rồi ôm con vừa đi về vừa khóc… Sau này tìm hiểu mới biết vì ở nhà Vinh thích tắm thế nên khi nhìn thấy hồ nước, Vinh tưởng nó giống như cái bồn tắm ở nhà mình.

Sau đó, họ quyết định gửi con vào Trường Câm điếc Xã Đàn. Chính môi trường “đặc biệt” này đã mang đến sự thay đổi kỳ diệu, giúp Vinh dần hòa nhập với những người xung quanh. Dần dần Vinh đã biết cách nghe và trả lời những câu hỏi đơn giản, biết tự ăn uống, biết tự làm vệ sinh cá nhân và bắt đầu bước tự lập vào cuộc đời rộng lớn.

Âm nhạc – Chiếc phao cứu sinh và liều thuốc diệu kỳ
Nhưng trong rất nhiều biểu hiện bất thường mang hướng tiêu cực của Vinh lại có những dấu hiệu tích cực. Mỗi khi chị gái Vinh đánh đàn Organ, cậu bé lại sán đến. Thấy chị bấm nút nào thì tay Vinh cũng bấm theo nút ấy. Bốn tuổi, Vinh có thể đánh thành thạo một bản nhạc bằng cả hai tay với niềm hứng thú khôn tả. Tất cả những gì bố, bác sĩ dạy đều không khiến cậu tập trung nhưng những âm thanh phát ra từ cây đàn organ lại khiến cậu bé chú ý.

Gia đình không ai hoạt động nghệ thuật, để kiểm chứng những gì con đang biểu hiện, nhờ một người quen giới thiệu, hai vợ chồng đưa con đến gặp nhạc sĩ Phú Quang. “Lúc ấy tôi thấy Vinh kỳ lạ lắm” – nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ khi phần biểu diễn của Vinh kết thúc. Và vị nhạc sĩ này còn nhớ như in khi ông đưa hai cha con cậu bé về nhà, ông ngồi vào đàn và bảo: “Nếu bác bấm vào nốt nào thì cháu đọc lại nhé”. Nói rồi ông bấm la sol la. Vinh đọc theo la sol la. Ông muốn thử lại nên nói: “La lá la chứ”, Vinh cãi: “Sol”. Đặt cậu bé ngồi lên ghế đàn, nhạc sĩ hướng dẫn thông qua những bản nhạc cụ thể.

“Điều tôi ngạc nhiên nhất là việc xử lý hợp âm ở bàn tay trái của cậu bé rất tốt, rất nhiều nhạc sĩ cũng không làm được điều ấy” – nhạc sĩ Phú Quang nhận xét. Sau buổi thử, ông bảo với bố của Vinh: “Con anh là một đứa trẻ đặc biệt, nên cho cháu học nhạc!”. Chỉ với một câu nói ấy thôi, hai người làm cha làm mẹ như người đang chơi vơi giữa biển vớ được chiếc phao cứu sinh! Cũng thời điểm ấy, con gái của nhạc sĩ Phú Quang là Trinh Hương vừa trở về Việt Nam và chị đã nhận lời dạy dỗ cậu bé này. Âm nhạc đã là một lãnh địa riêng của Vinh. Bộ não và trí nhớ của cậu dường như được lập trình để dành cho những phím đàn. Không khó khăn để Vinh học, nhớ những bản nhạc vừa học, cũng không quá lâu để Vinh chơi thật hay bản nhạc ấy trong sự ngỡ ngàng của giáo viên và gia đình.

Tháng 7/2010, chỉ sau một năm bước chân vào học chính thức tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tại Liên hoan Âm nhạc tổ chức tại Hàn Quốc, tài năng của Nguyễn Thế Vinh đã được khẳng định với tấm huy chương vàng đầu tiên. Chỉ hai tháng sau, trong cuộc thi Piano Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Nguyễn Thế Vinh đã giành giải Khuyến khích bảng A, bảng thi dành cho các thí sinh lứa tuổi 10 đến 13.

Sau buổi diễn gây tiếng vang tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm nhạc Summer 2011 Gala Concert do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức, Nguyễn Thế Vinh đã vinh dự được nhạc trưởng Honna Tetsuji mời tham gia biểu diễn trong chương trình hòa nhạc đặc biệt Chào xuân 2012 được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 11/1/2012.
Nhạc trưởng người Nhật trầm trồ: “Tôi đã từng cộng tác với nhiều tài năng lớn, nhưng Nguyễn Thế Vinh là tài năng âm nhạc thuộc diện trẻ tuổi nhất mà tôi may mắn được làm việc cùng”. Riêng năm 2012, tài năng piano Nguyễn Thế Vinh đã đoạt cú “hattrick” giải thưởng quốc tế. Đó là giải Nhì bảng A và giải Thí sinh biểu diễn nhạc cổ điển hay nhất trong cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam, giải Nhì cuộc thi Piano quốc tế tổ chức tại Malaysia tháng 11/2012.

Hiện nay, song song với việc học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nguyễn Thế Vinh đang có một việc làm đầy thiện tâm là dạy nhạc miễn phí cho một số những bạn nhỏ yêu nhạc. Học trò của Vinh là những cháu bé khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn được rèn giũa dưới bàn tay của một thầy giáo từng mắc căn bệnh tự kỷ. Nhưng có một Nguyễn Thế Vinh thật sự khác biệt, đầy nhẫn nhịn và điềm đạm, đang đắm chìm vào những nốt nhạc yêu thương…

(Nguồn sưu tầm tổng hợp)

Bài viết liên quan